Wednesday, December 25, 2013

Giáo dục nát rồi phải không?

>> Trẻ em chết sau khi tiêm vaccine ở TQ
>> Tinh thần nghiệp dư và những biến dạng hôm nay
>> Sách giáo khoa hướng dẫn sử dụng phần mềm có hình “đường lưỡi bò”


Nguyễn Thông

Thôi, không cần bàn đến những phân trần của ông Bùi Việt Hà - Tổng giám đốc Công ty công nghệ tin học nhà trường School@net khi giải trình về việc phần mềm giảng dạy tin học Earth Explorer dạy phần địa lý thế giới có “đường lưỡi bò” . Ông bảo phần mềm này dù được đưa vào hệ thống giảng dạy trong nhà trường đã lâu (năm 2007) nhưng chỉ là bản demo thôi, “đó không phải là một bài học địa lý nghiêm chỉnh” nên sai sót để lọt “lưỡi bò” vào nhà trường như thế “không phải là lỗi quá trầm trọng”. Chết thật, bài giảng dạy trong nhà trường, đào tạo thế hệ tương lai mà “không nghiêm chỉnh”, “không quá trầm trọng” thì đợi đến bao giờ mới nghiêm chỉnh, hay là chờ khi nào trầm trọng rồi hãy lo. Theo tôi, hoặc là thừa nhận mình sai cho chóng ngoan, hoặc cứ im đừng bao biện làm gì.

Công ty công nghệ tin học nhà trường School@net là một doanh nghiệp, ông Bùi Việt Hà là doanh nhân giám đốc doanh nghiệp ấy cho nên việc đưa sản phẩm có nội dung nhạy cảm, sai lệch, phản giáo dục vào nhà trường sẽ được các nhà quản lý, cơ quan chức năng xem xét. Nhưng rất lạ, và cũng rất nghiêm trọng, là chính cơ quan quản lý giáo dục, từ cấp Bộ GD-ĐT xuống đến các địa phương, đến tận cơ sở giáo dục lại gần như thả lỏng, buông xuôi, bỏ mặc cho ai đó muốn đưa vào nhà trường cái gì thì đưa. Bài “Đường lưỡi bò” xuất hiện trong phần mềm dạy học trên báo Thanh Niên cho biết sau khi phần mềm Earth Explorer được sử dụng trong trường học, nhiều năm qua đã có những ý kiến của thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy phản ánh lên các cấp có trách nhiệm về sự xuất hiện “đường lưỡi bò” nhưng chả hiểu sao lại rơi vào sự im lặng khó hiểu kéo dài. Ngay cả khi vụ việc bung ra, dư luận hết sức phẫn nộ, đến ngày 23.12 cũng mới chỉ thấy một ông Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM lên tiếng, chỉ đạo các trường loại bỏ ngay nội dung trên, nhưng cấp cao hơn, Bộ GD-ĐT, cơ quan quản lý giáo dục trên cả nước, lại chả động tĩnh gì. Hay họ cũng như ông Hà cho rằng đó không phải là lỗi quá nghiêm trọng, cứ thong thả, chẳng chết ai mà rộn.

Điều cần nói thẳng ra là thời gian gần đây các cơ quan quản lý giáo dục từ trên xuống dưới đã mất cảnh giác, để xảy ra quá nhiều sai sót trog hệ thống giáo dục quốc dân, cụ thể là nhà trường. Hầu như ai cũng hiểu phải đặc biệt lưu tâm đến những sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc dùng trong nhà trường, đến những sách vở tài liệu liên quan đến Trung Quốc, nhất là 2 môn lịch sử, địa lý. Người dân bình thường còn hiểu điều ấy, lẽ nào nhà quản lý giáo dục không hiểu. Vậy mà vẫn có bản đồ dùng cho học sinh thiếu các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có tập vở in hình cờ Trung Quốc, rồi “đường lưỡi bò” bò vào tận từng tiết học… Cứ với sự nhẩn nha, thờ ơ, mất cảnh giác ấy, ai dám chắc người ta sẽ nhồi nhét thứ chi nữa vào đầu óc con em chúng ta. Chả nhẽ cái “đường lưỡi bò” trong phần mềm tồn tại ở bậc THCS suốt 6 năm nay, chỉ có ông Hà chịu trách nhiệm, còn các lãnh đạo ngành giáo dục thì vô can? Hay lại nghiêm túc rút kinh nghiệm là xong.



Xem thêm:
- Đôi khi cần phải im lặng
- Thói quen thuộc về tình cảm
- Thấy được gì qua những giọt nước mắt

No comments:

Post a Comment